Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới quy hoạch, phát triển điện mặt trời. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo về quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng cơ cấu nguồn và kế hoạch phát triển lưới điện truyền tải, trước ngày 15/12.
Bộ Công Thương cũng cần báo cáo Thủ tướng về tình hình và giải pháp xử lý tình trạng quá tải các dự án điện mặt trời đã đăng ký, đã được phê duyệt trước 20/12. Cùng với đó, cơ quan này cần xây dựng quyết định sửa đổi, thay thế Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
"Không được để khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện phát triển, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của Nhà nước – nhà đầu tư – người dân", văn bản của Chính phủ nêu. Quá trình xây dựng cơ chế thay thế được yêu cầu báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 20/12.
Thực tế sau Quyết định 11/2017 cởi trói cơ chế giá cho điện mặt trời, số lượng dự án được phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch tăng nhanh chóng. Dữ liệu đến hết tháng 9/2018 của Bộ Công Thương cho biết, 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Trong số này 25 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 70 dự án thẩm định thiết kế cơ sở. Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.
Như vậy, tổng công suất đăng ký đầu tư loại hình này đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000 MW). Con số này cũng vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm.
Chưa kể, các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, việc bổ sung quy hoạch dẫn tới quá tải hệ thống truyền tải hiện có. Mặt khác, loại năng lượng này vận hành không ổn định do phụ thuộc thời tiết và giá điện cao, 9,5 cent (gần 2.100 đồng) một kWh, cũng khiến bùng nổ cuộc "chạy đua" đầu tư vào dự án điện mặt trời.
Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, nếu tính các nhà máy điện mặt trời đã ký và đang đàm pháp hợp đồng mua bán điện thì tổng công suất điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lên tới 749,63 MW và Ninh Thuận là 1.047,32 MW (1/2 so với phê duyệt) dẫn đến tình trạng các đường dây truyền tải khu vực này đã rơi vào tình trạng đầy tải, quá tải. Nếu sản lượng hay công suất các nhà máy điện mặt trời bị giảm 10%, mọi tính toán có thể bị đảo lộn, các dự án sẽ không thể thực hiện.
Tác giả bài viết: DONA JSC TỔNG HỢP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn