Điện mặt trời không được khuyến khích?

Thứ hai - 25/02/2019 16:25
Giá thấp hơn điện than, vùng bức xạ cao thì giá thấp nhất... những quy định trong dự thảo mới của Bộ Công thương về điện mặt trời khiến nhiều người cho rằng, điện mặt trời chưa thực sự được khuyến khích phát triển.
Điện mặt trời không được khuyến khích?

Cơ chế giá vô lý

Mức giá điện mặt trời hiện tại theo Quyết định số 11/2017 ngày 11.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ là 2.086 đồng/kWh, tương đương 9,35 US cent/kWh (tỷ giá tại thời điểm đó là 22.316 đồng/USD).
Điểm mới của dự thảo mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến để trình Chính phủ ban hành và áp dụng sau thời điểm tháng 6.2019 là tính giá theo vùng và theo loại hình dự án. Theo đó, các tỉnh từ Quảng Bình trở ra bắc (trừ Điện Biên) được tính là vùng 1 với mức giá mua điện dao động từ 2.102 - 2.486 đồng/kWh (9,20 - 10,87 US cent/kWh), cao hơn mức giá hiện tại đến 400 đồng/kWh. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Điện Biên được tính là vùng 2 với mức giá mua điện từ 1.809 - 2.139 đồng/kWh (7,91 - 9,36 US cent/kWh). Ở khu vực này chỉ còn đối tượng dự án điện mặt trời trên mái nhà giữ được giá, các loại khác đều giảm. Các tỉnh Đông Nam bộ cùng với ĐBSCL và Kon Tum, Đắk Nông được tính là vùng 3 với giá mua điện chỉ từ 1.620 - 1.916 đồng/kWh (7,09 - 8,38 US cent/kWh). Khu vực này bắt đầu giảm tương đối mạnh kể cả mô hình điện mặt trời trên mái nhà. Giảm mạnh nhất, tới 561 đồng/kWh ở vùng 4 gồm 6 tỉnh là Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận giá điện chỉ còn 1.525 - 1.877 đồng/kWh (6,67 - 8,21 US cent/kWh). Theo bảng giá trên, các tỉnh miền Nam (từ vùng 2 trở vào) tiềm năng về điện mặt trời lớn, hiệu suất sinh lời cao hơn nên giá thấp dần xuống. Cơ chế giá để "cào bằng" lợi nhuận này sẽ khó khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời ở phía nam, nơi tiềm năng cao nhất trong khi đây là khu vực thiếu điện và chúng ta đang phải chuyển tải điện từ bắc vào nam. Đặt trường hợp các dự án điện mặt trời đổ về phía bắc vì giá cao thì chúng ta lại tiếp tục tốn kém thời gian, chi phí để chuyển tải, chưa kể bài toán về an toàn lưới điện mà chính bản thân ngành điện lâu nay không ngừng kêu ca. Chưa hết, giá mua điện của các nhà máy nhiệt điện than hiện khoảng 7 US cent/kWh trong khi giá mua điện mặt trời mặt đất ở vùng 4 theo dự thảo mới chỉ còn 6,67 US cent, rẻ hơn điện than tới 0,33 US cent. Trước đó, Bộ Công thương cũng ban hành Quyết định số 281 (có hiệu lực từ ngày 12.2.2019) quy định khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho việc đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện cao nhất lên tới 1.896,05 đồng/kWh (tương đương 8 US cent/kWh). Với giá 1.525 đồng/kWh, điện mặt trời đang rẻ hơn điện than 371,05 đồng.
Với cơ chế giá như thế này, điện mặt trời khó mà phát triển đúng với tiềm năng và kỳ vọng của Chính phủ về năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường.

Bên mua vẫn chiếm lợi thế

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là tại điều 7, chương II về trách nhiệm mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới quy định: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép; ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại. Quy định “mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép” chắc chắn sẽ làm khó các nhà đầu tư vì bên mua điện là Tập đoàn điện lực VN (EVN). Nếu không muốn mua, EVN có thể từ chối với lý do “lưới điện không cho phép”. Đây không còn là giả thuyết vì thực tế trong thời gian gần đây khi mà một số tỉnh nam Trung bộ phát triển một số dự án điện mặt trời thì EVN đã thông tin về chuyện quá tải, mất an toàn lưới điện.
Cũng tại điều 7, khoản 2 nêu: Việc mua bán điện được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện mặt trời nối lưới được lập theo hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công thương ban hành. GIZ (Cơ quan Hợp tác phát triển Đức) thường xuyên cố vấn và tư vấn cho Bộ Công thương trong lĩnh vực điện, cho rằng hợp đồng mẫu trước đây chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và vẫn còn nhiều ưu ái cho bên mua điện là EVN. Vì vậy, hợp đồng mẫu cần phải được tiếp tục cải thiện sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên cũng như phù hợp thông lệ quốc tế. Năm 2018, hơn chục triệu người dân TP.HCM và Long An đã thở phào nhẹ nhõm khi lãnh đạo tỉnh này cương quyết từ chối một dự án nhiệt điện than ở H.Cần Giuộc - nằm ngay sát nách TP.HCM. Ngay sau đó Long An đã khởi công một dự án điện mặt trời. Trước đó, năm 2016, tỉnh Bạc Liêu cũng từng làm điều tương tự để ưu tiên phát triển điện gió. Thực tế, ngay khi có cơ chế giá điện mặt trời và gió đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn, hàng ngàn người dân đã và vẫn đang lắp điện mặt trời trên mái nhà. Điều này sẽ giúp giải bài toán thiếu hụt nguồn cung điện cho xã hội và nền kinh tế. Nhưng với dự thảo về điện mặt trời mới của Bộ Công thương, giá mua điện mặt trời ở các khu vực có nhiều tiềm năng như Trung và Nam bộ chỉ quanh mức 7 US cent/kWh, thấp hơn cả mức trần phát điện than 8 US cent/kWh lại đang khiến năng lượng sạch gặp khó.
Thủy điện đã khai thác hết công suất, điện than ngày càng ô nhiễm, nếu không tạo mọi điều kiện để phát triển điện mặt trời và gió, chúng ta sẽ giải bài toán điện thế nào cho phát triển kinh tế của đất nước?
Trung Quốc, Ấn Độ bỏ xa VN về năng lượng sạch
Quy hoạch điện hiện tại dự báo điện than sẽ tăng từ 35% (năm 2015) lên đến 53% (năm 2030) trong tổng nguồn cung điện. Năng lượng tái tạo tăng từ 3,7% lên 10,7% trong cùng thời gian trên. Kế hoạch năng lượng tái tạo của VN không hề là tham vọng nếu so với Ấn Độ là 20% vào năm 2022. Hệ thống lưới điện chú trọng vào điện than của Ấn Độ hiện nay có thể tiếp nhận đến 175 GW điện mặt trời và gió mà không cần thay đổi lớn trên hệ thống. Giá bán điện mặt trời của nước này chưa tới 4 US cent/kWh, rẻ hơn than. Trung Quốc cũng có chiến lược năng lượng tái tạo chiếm tới 20% cơ cấu nguồn vào năm 2030. Giá bán điện mặt trời hiện tại của nước này dưới 5 US cent/kWh.
Nguyên nhân giá thành sản xuất năng lượng tái tạo ở VN còn cao: Thứ nhất do nhà đầu tư thích chọn những vị trí “đẹp”, sang nhượng giấy phép dự án làm đội giá thành. Thứ hai, hợp đồng mua bán điện được thiết kế theo hướng cho phép EVN chỉ mua được lượng điện cần thiết hay có thể tiếp nhận. Các ngân hàng hay nhà đầu tư quốc tế không chấp nhận kiểu hợp đồng này. Còn doanh nghiệp nội địa không vay được vốn giá rẻ. Thứ ba, đường dây điện đấu nối từ dự án đến lưới điện quốc gia do doanh nghiệp tự đầu tư, làm phát sinh thêm chi phí.

Tác giả bài viết: DONA JSC TỔNG HỢP

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây