Theo ông Tobias Cossen: “Việt Nam có nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, nguồn năng lượng gió dồi dào nên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua. Tuy nhiên, giá điện gió được công bố năm 2011 đi kèm với các rủi ro trong quá trình phát triển dự án đã làm chậm tiến độ của nhiều dự án, bởi lẽ nhà đầu tư và tổ chức tài chính vẫn còn lo ngại về rủi ro tài chính”.
Hiện nay, với tín hiệu rõ ràng, khi Chính phủ Việt Nam tăng giá bán điện gió, “chúng tôi hy vọng nhiều dự án sẽ được xúc tiến và nhanh chóng đi vào hoạt động” - ông Tobias Cossen nói.
Ông Tobias Cossen cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động cải thiện khung pháp lý, GIZ đã tính toán lại mức giá điện gió cũ theo vốn đầu tư và chi phí hoạt động thực tế, cũng như phát triển các tài liệu hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường và xã hội của các dự án điện gió, các tài liệu hướng dẫn về đầu tư phát triển dự án điện gió. GIZ cũng đã triển khai việc đánh giá Quy hoạch phát triển điện gió quốc gia, bao gồm cả việc đo đạc gió mang tính dài hạn.
Theo ông Tobias: “Xác định giá điện gió luôn là một chủ đề phức tạp và đôi khi khá “nhạy cảm”. Giá điện gió sửa đổi sẽ đem đến sự đảm bảo cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính hiện đang cung cấp các khoản vay dài hạn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.”
Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA), tiềm năng kỹ thuật của điện gió ở Việt Nam là rất lớn, khoảng 27 GW, và có thể thay thế phần lớn lượng nhiệt điện (sản xuất từ than và khí gas) trong tương lai.
Ngay cả khi nguồn năng lượng tái tạo từ gió hoặc năng lượng mặt trời có thể có lúc không ổn định, hệ thống điện của Việt Nam vẫn có thể tiếp nhận một lượng điện lớn từ năng lượng tái tạo, và sau khi được mở rộng, thích ứng và nâng cấp để trở thành “lưới điện thông minh”, hệ thống có thể tích hợp một lượng điện từ nguồn tái tạo lớn hơn nữa, đáp ứng các mục tiêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Ví dụ: 6.000 MW điện gió và 12.000 MW điện mặt trời vào năm 2030).
Trong khuôn khổ hợp tác song phương Việt - Đức, Bộ Công Thương (MOIT) và GIZ đã và đang phối hợp thực hiện các hoạt động phát triển ngành điện gió, bao gồm các kiến nghị về điều chỉnh giá bán điện.
GIZ đã tư vấn cho Bộ Công Thương về các điều khiện khung chính sách và pháp lý, triển khai các khóa đào tạo đáp về kỹ thuật và tài chính cho các đơn vị nhà nước và khối tư nhân, cũng như hỗ trợ hợp tác nghiên cứu Việt - Đức về năng lượng gió.
Từ năm 2009, GIZ đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển ngành năng lượng tái tạo. Hiện nay, GIZ đang hợp tác với Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực (ERAV) và các tổ chức khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (NLDC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (SPC)... về phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học, cũng như đẩy mạnh hoàn thiện khung chính sách và giải quyết các thách thức liên quan đến lưới điện.
Máy khoan cọc solar chuyên dụng:
Tác giả bài viết: TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn