Bình Thuận xin đưa dự án điện mặt trời Sông Bình 6 vào quy hoạch

Thứ hai - 03/09/2018 06:46
- UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản đề xuất Bộ Công Thương xem xét đưa dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 (250 MWp) vào Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 do Công ty CP Sữa Thông Thuận và Công ty CP Năng lượng Hưng Bình làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Diện tích đất sử dụng cho dự án là 295 ha. Công suất Nhà máy 250 MWp. Sản lượng điện bình quân dự kiến 379.030 MWh/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến 5.612,7 tỷ đồng. Dự kiến đưa vào vận hành năm 2019.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, với chủ trương ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Sữa Thông Thuận và Công ty CP Năng lượng Hưng Bình khảo sát, nghiên cứu và đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời kết hợp với đầu tư dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 là dự án nguồn điện độc lập chưa có tên trong danh mục nguồn điện của Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020 (đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3566/QĐ-BCT ngày 22/6/2012).

Về quy hoạch sử dụng đất, khu đất lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện, đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 nằm trên khu đất dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao (đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 427/QĐ-UBND ngày 05/02/2016, số 860/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 cho Công ty CP Sữa Thông Thuận).

Theo báo cáo đề xuất và cam kết của Công ty CP Năng lượng Hưng Bình và Công ty Cổ phần Sữa Thông Thuận, việc kết hợp đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời tại khu đất nêu trên vẫn giữ nguyên mục tiêu trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao (theo Quyết định chủ trương đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cấp), do đó không phải thực hiện thủ tục đất đai về đất công trình năng lượng.

Về quy hoạch khoáng sản, toàn bộ diện tích dự án nằm ngoài vùng Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 03/9/2013); đồng thời nằm ngoài khu vực dự trữ titan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương xem xét đưa dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 vào đồng bộ trong Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia.

Theo nguồn tin của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước, số giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, bức xạ nhiệt ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện mặt trời.

Theo tính toán, Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận, tổng công suất tiềm năng quy hoạch là 5.321,5MWp.

Dự kiến đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 828 MW, với sản lượng điện tương ứng khoảng 1.270 triệu kWh. Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 2.642 MW, với sản lượng điện tương ứng xấp xỉ 4.055 triệu kWh. Đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 4.520 MW, với sản lượng điện tương ứng khoảng 6.936 triệu kWh.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Link máy ép cọc solar: 

Nguồn tin: tâp chí năng lượng

Tổng số điểm của bài viết là: 110 trong 22 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 22 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây